Là câu chuyện văn hóa hiền hòa, thước phim năng động trẻ trung, hay đoạn nhạc “parody” hài hước? Trong vô vàn hình thức quảng cáo đầy hấp dẫn, đâu mới là “vedette” chính hiệu của cuộc chiến marketing ngày Tết?
Đánh thẳng vào giác quan cảm xúc bằng những tư tưởng nhân văn từ lâu đã ăn sâu vào tâm trí của người Việt là một chiêu bài không hề mới của các nhãn hàng. Thế nhưng, cái hay của doanh nghiệp chính là luôn biết rót vào vỏ bình cũ chất rượu tinh luyện vô cùng độc đáo. Với Biti’s Hunter, bắt nguồn từ hai chữ “gia đình” quen thuộc, nhưng nhãn hàng này đã không quên bỏ vào đó hơi thở của đời sống hiện đại, đưa quan điểm sống “đi và trải nghiệm” của giới trẻ vào hai chiến dịch “Đi để trở về” và “Chuyến đi của năm”. Đến chiến dịch thứ 3, vẫn là ý nghĩa của sum họp, vẫn là lối sống trải nghiệm đầy đam mê, song, “Sẽ hứa đi cùng nhau” còn giải quyết một vấn đề mang tính thời sự: ba mẹ luôn mong muốn rút ngắn khoảng cách thế hệ với con cái, cùng chúng lớn lên và trưởng thành.
Bất kể sử dụng hình thức quảng cáo nào, thông điệp có hay đến đâu, song, nếu nhãn hàng không “nhắm đúng” điểm chạm cảm xúc của tệp khách hàng mục tiêu, tất cả sẽ trở nên vô nghĩa. Đối với Pepsi, tệp khách hàng của nhãn hàng này dường như là tất cả mọi đối tượng già, trẻ, lớn, bé. Bài toán đặt ra chính là một ý tưởng vừa làm trẻ vui, già thích. Với câu chuyện “Đầu năm trao muối”, bắt nguồn từ văn hóa “sẻ chia” muôn thuở, “vị muối” vừa bắt trend những câu nói cửa miệng của giới trẻ “nhạt – thiếu muối – mặn màn”, vừa gợi nhắc những câu ca dao “gừng cay muối mặn” đã sống trong tâm thức của khách hàng lớn tuổi từ lâu.
Tết – thời điểm quay về tự vấn về nguồn cội, là giây phút thiêng liêng cũng là lúc người ta nhìn lại về lối sống của bản thân. Kết hợp giữa thông điệp đẹp và đời sống hiện đại chính là phương thức “thả thính” cực hiệu nghiệm trong dịp Tết.
Không chỉ mang lại tiếng cười rộn ràng, trào lưu “parody” còn rất dễ gây tiếng vang bởi những thông điệp không quá nặng triết lý mà vô cùng trẻ trung. Sự kết hợp của Huỳnh Lập cùng Ô Long TEA+ đã làm nên “Bùa Ăn”, giúp người ta vừa cười, vừa hiểu đúng hơn về lối sống lành mạnh: cứ thả ga “ăn” chơi ngày Tết, miễn dùng thực phẩm “healthy”, thì sợ gì không “nhẹ dáng son”?. Song hành của Parody, những tác phẩm hài cũng có được những thành công đáng kể. Đơn cử như trường hợp của BB Trần cùng “Chuyện cũ bỏ qua” đã giúp Mirinda vừa đem đến những trận cười khoái chí, vừa tạo nên những thông điệp “nhỏ mà có võ”: Một năm có 365 ngày, ta mất một nửa trong số đó để hằn học, ghen ghét lẫn nhau vì lắm thứ linh tinh trong cuộc sống. Vậy Tết đến, sao không bỏ qua hết, cho nhau một cơ hội để trao gửi yêu thương ấm áp hơn?
Một trong những yếu tố khiến Parody – Hài “gây bão” chính do thời gian này cũng là lúc nhu cầu xem hài của người tiêu dùng tăng cao rõ rệt. Ông bà ta quan niệm Tết là phải vui, chính vì thế, cùng với những hashtag “hài Tết”, những sản phẩm Parody – Hài sẽ nhanh chóng xuất hiện trên trang tìm kiếm của người tiêu dùng. Mặt khác, về phía sản phẩm Parody, xuất phát từ những trào lưu nổi sẵn, bản chế lại ắt hẳn được thơm lây từ hào quang của bản gốc. Tuy nhiên, không thể không nói đến sự tinh tế của những nhà chế tác trong việc lồng ghép thông điệp trong những phân đoạn hài hước. Chính ý nghĩa nhân văn đã biến những sản phẩm “làm cho vui” khoác lên mình một đẳng cấp khác hẳn.
Là đoạn nhạc bắt tai, thước phim đẹp mắt được đầu tư công phu đến từng chi tiết. Quảng cáo không chỉ để bán hàng, mà còn đem lại cho người tiêu dùng “giá trị cộng thêm” – yếu tố bất bại trong cuộc chiến tâm lý khách hàng. Theo sau chủ đề “Ví hết mana, cần bơm thì phải làm sao” của Viettel Pay chính là MV ca nhạc “Hết Mana” được dàn dựng tỉ mỉ, cùng sự xuất hiện của hàng loạt cái tên đình đám như JustaTee, BigDaddy, Hòa Minzy, Trường Giang, hoa hậu Tiểu Vy, Phạm Quỳnh Anh. Cách đơn giản hóa cậu chuyện bằng những giai điệu của âm nhạc với hàng loạt KOLs có sức ảnh hưởng, Viettel Pay chính thức ghi tên mình vào danh sách những quảng cáo hot nhất của đợt Tết năm nay.
Tiki lại hướng ống kính về câu chuyện “nàng dâu ngày Tết” chưa bao giờ hết hot. Cưới chồng, chồng thương thật đấy, nhưng làm dâu quả thực vô cùng mệt mỏi. Thực khiến người ta, có yêu cũng không dám cưới. Tiki xuất hiện và giúp đỡ hai vợ chồng Phương – Giang. Lựa chọn phim – một loại hình kể chuyện có khả năng cuốn hút mạnh mẽ bậc nhất đối với nữ giới, cùng “lợi dụng” sức hot của đôi vợ chồng Trường Giang x Nhã Phương, Tiki chính thức ghi điểm trong việc định vị thương hiệu trong tâm trí khách hàng nội trợ.
Trong những ngày cận Tết này, lúc có vô vàn kẻ cần mua, mà cũng thật nhiều những người cần bán, thì việc tiếp cận và chinh phục khách hàng chính là mục tiêu lớn nhất của các thương hiệu. Chọn được hình thức quảng bá chỉ là bước đầu, điều quan trọng là phải biết “customize” hình thức đẹp mắt với tâm lý của khách hàng, không ngừng đổi mới chính mình. Khi đó, nhãn hàng mới có thể trụ vững vị trí dẫn đầu trong “top of mind” của khách hàng.
Bài viết: Quốc Khánh – Lan Trinh
Thiết kế: Tiến Khải