Con hẻm D5 buổi sáng, phải gọi là can đảm lắm mới dám đi vào, chẳng phải vì hàng xe kẹt cứng hay cái nắng chói chang chang. Mà nồi súp cua nghi ngút khói, cả tiếng xì xèo xào mì quảng chính là những “mối nguy hữu hình” cho cái bụng rỗng không sau một đêm dài ngủ vùi. Người Ngoại thương đúng thật thông minh! Với 10.000 đồng, họ biết thế nào là đáng và đủ để đầu tư cho mình một bữa điểm tâm vừa phải, “vừa” ở số lượng nhưng “phải” ở chất lượng…
Sáng sáng, trời se lạnh, tự thưởng cho mình một chén súp cua thì “đã” phải biết. Nước dùng sền sệt, nóng hôi hổi, cộng với vị bùi của trứng cút, thêm chút mặn đặc trưng của xì dầu, phảng phất hương thơm từ nấm đông cô và tiêu ngò, tất cả hòa quyện trong một chén súp “đúng hiệu”. Đặc biệt, súp cua là phải vội thổi vội ăn ngay khi còn nóng mới “nếm” hết cái hay của nó. Húp xong chén súp đậm đà, làm dịu thanh quản bằng một ly sữa đậu nành đá, vậy là hoàn tất bữa sáng!
Người Phờ-tu “yêu” súp đến nỗi mến luôn cả cô bán súp. Chỉ 8.000đ đến 10.000đ, đôi khi cô còn hào phóng tặng thêm 2,3 trái trứng cút hay một nụ cười tươi rói đủ làm ta vui vẻ cả ngày.
Đây là món ăn “số dzách” mà người Ngoại thương chắc chắn nghĩ đến đầu tiên mỗi sáng thức dậy. Bởi mì quảng có thể chiều chuộng cả những thực khách khó tính nhất: không ăn được chả xắt nhuyễn, có thể dùng kèm với trứng ốp-la; sợ ốp-la ngán, thì sẽ ăn chung với chả giò giòn rụm. Tưởng chừng đơn giản nhưng nếu thiếu xì dầu, tương ớt cùng các thứ-linh-tinh ăn kèm như đậu phộng, ngò rí, hành phi vàng, thì không thể gọi là một hộp mì quảng đủ vị.
Người sành ăn không chỉ để ý phần “miệng” mà còn quan tâm cả phần “mắt”. Bụng đang đói, nhìn từng sợi mì quảng óng ánh nước sốt xì xèo trên bếp ga đỏ lửa, đây mới thực là “thưởng thức”!
Xì xụp bún bò buổi sáng thì chẳng còn gì bằng! Một tô bún bò được chan xâm xấp nước dùng vừa thanh vừa đậm, vài lát bắp thái mỏng, một miếng giò heo ăn cùng với rau muống, rau thơm, giá đỗ, rau răm vừa ngon nhưng lại không sợ ngán. Nhất là vào những buổi sáng trời mưa, tận hưởng tô bún bò kiểu Huế khói ngào ngạt trong cái tiết lành lạnh thì thích phải biết!
Có những “lão” dù đã ra trường từ lâu nhưng vì ghiền hương vị cay cay, nồng nồng của bát bún bò mà thoảng khi lại rủ nhau về “nhà” để ăn cho đã nhớ.
Người Ngoại thương “chuộng” bánh mì lắm. Nhìn xe bánh mì nghịt khách mỗi sáng thì sẽ rõ. Bánh mì vừa gọn vừa dễ ăn hẳn là ưu tiên số một những hôm nào đi học muộn. Một ổ bánh mì béo múp, giòn tan quệt một đường bơ, một chút ba tê cộng thêm chả, heo quay ăn kèm đồ chua, dưa leo và nước sốt. Tất cả vị béo, mặn, chua, cay, ngọt hòa quyện vào nhau làm cho việc thưởng thức bánh mì trở thành một nghệ thuật.
Những hôm cô bánh mì không bán là y như rằng có vài kẻ sẽ bỏ ngay bữa sáng vì không tìm được món mình ưng ý!
Cô bánh mì, chú bún bò, dì súp cua hay bác mì quảng – chính họ đã góp phần viết nên câu chuyện Phờ-tu buổi sáng đi sâu vào tâm trí của bao thế hệ sinh viên. “Sáng nay ăn gì vậy, Ngoại thương?” – “Đến Ngoại thương rồi biết!”
Bài viết: Huy Thái
Hình ảnh & Thiết kế: Khánh Như