Táo Quân đã chính thức dừng lại chuyến hành trình mang tiếng cười đến rộng khắp Việt Nam sau 16 năm. Khoảng thời gian gần hai thập kỷ, khi mâm cơm cúng Tết đã tươm tất trong bếp nhà, mai đào đã rực rỡ ngoài sân, thì đúng 8 giờ tối cả gia đình lại í ới gọi nhau vào xem Táo Quân. Người lớn trong nhà gật gù tâm đắc về những miếng hài đầy giải trí nhưng đầy tinh tế và thâm sâu về muôn mặt đời sống. Đám trẻ con trong nhà thì ngồi “đợi thời”, hiểu được câu nào thì cười nắc nẻ câu đấy, không hiểu thì lại ngáp ngắn, ngáp dài đợi Táo Quân chiếu xong để còn xem bắn pháo hoa, chuẩn bị xông nhà rồi nhét túi những bao lì xì đỏ ươm.
Táo Quân vốn dĩ không đơn thuần là một chương trình đặc biệt mỗi năm chiếu một lần. Nó là khoảnh khắc cả gia đình được ở bên nhau trước khoảnh khắc giao thoa của năm cũ và năm mới. Với những đứa con xa xứ, họ coi Táo Quân như một chút gia giảm cho nỗi nhớ nhà mỗi độ Xuân về. Dù xem Táo Quân có thể sẽ chẳng thấu hiểu hết ý nghĩa trong từng câu chữ, nhưng thấy Táo Quân là họ biết Tết đã về, là biết người thân cách mình vài múi giờ vẫn đang vui cười và hạnh phúc bên nhau. Táo Quân, giống như là cách gọi khác của đoàn viên, của hạnh phúc đủ đầy.
Gắn liền với tục thả cá chép đưa ông Táo về trời mỗi ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân được coi là một trong những giá trị văn hóa, là món ăn tinh thần đặc biệt đối với mỗi người Việt. Thời điểm này, trên những trang mạng xã hội, là rất nhiều những lời tiếc nuối cho dấu chấm hết quá bất ngờ của Táo Quân. Đơn giản bởi không ai biết được Táo Quân cách đây một năm lại lần cuối chương trình này lên sóng truyền hình quốc gia. Chưa bất kỳ ai sẵn sàng nói lời tạm biệt, thậm chí là rất nhiều người vẫn tò mò xem năm nay những câu chuyện nào sẽ lại được các Táo châm biếm, bàn luận. Đám trẻ con, bài học sau đợt nghỉ Tết có thể không thuộc, nhưng những câu nói hay ho hay những câu hát chế đầy tinh tế trong Táo Quân, bọn chúng đều cất lên lanh lảnh, chẳng bao giờ quên.
Sau tất cả, Táo Quân sẽ được thay thế bằng một chương trình mới. Không biết ai sẽ tiếp tục cho hành trình truyền tải tiếng cười này, nhưng “Ngọc Hoàng” Quốc Khánh, “Bắc Đẩu” Công Lý, “Nam Tào” Xuân Bắc hay các Táo Chí Trung, Vân Dung, Tự Long, Quang Thắng,… sẽ tồn tại trong tâm trí của khán giả như một lời tri ân sâu sắc nhất. Tất cả những nghệ sĩ đã làm nên một chương trình thật sự đầu tư và trọn vẹn. Dù có những năm, Táo Quân bị gắn mác nhạt nhòa hay quảng cáo quá đà, các nghệ sĩ vẫn chọn cách bước tiếp, coi Táo Quân là một món quà tinh thần gửi đến người dân cả nước. Thế nhưng, có lẽ Táo Quân đã đến thời điểm phải dừng lại, để những giá trị tốt đẹp luôn tồn tại ở một “đỉnh cao”, để Táo Quân sẽ thật đẹp trong trái tim của khán giả Việt.
Có người đã nói rằng không còn Táo Quân, sẽ chẳng còn những câu chuyện Tết đan xen trong tiếng cười giòn tan, sẽ là sự phai màu của vị Tết truyền thống đủ đầy. Thế nhưng, mấy ai để ý rằng sau 16 năm qua, chuyện của Ba Mẹ chẳng còn là vun vén cho ngôi nhà mỗi độ Tết về. Đàn con bây giờ đã lớn, chúng chẳng còn màng đến những phong bao lì xì mừng tuổi nữa, chúng đã biết đỡ đần những công việc gia đình và đền đáp lại công ơn nuôi nấng của đấng sinh thành. Bất cứ điều gì trong cuộc sống này, rồi cũng dần sẽ được thay thế bởi những điều mới mẻ hơn, và Táo Quân cũng không nằm ngoài cái định luật ấy. Trong mắt cha mẹ, Tết là những ký ức của tuổi xuân thì cùng nhau vun đắp gia đình. Trong ký ức của đám con đã khôn lớn, Tết là cả một “gia tài” – những sân khấu của đêm Giao thừa mà lứa trẻ sau này sẽ chẳng có cơ hội để trực tiếp cảm nhận. Còn Táo Quân, nó sẽ trở thành một dấu mốc ấn tượng của truyền hình Việt, là ký ức của biết bao thế hệ người Việt, là câu chuyện đầy tự hào mỗi khi chúng ta nhắc lại cùng nhau.